Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Bài dự thi Tuyên truyền viên giỏi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh


BÀI DỰ THI

Tuyên truyền viên giỏi về tiếp tục đẩy mạnh việc

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch Người danh hùng dân tộc vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Vâng! Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã đi xa nhưng để lại cho chúng ta những tư tưởng to lớn, những giá trị nhân văn cao cả. Suốt cuộc đời Người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, Người luôn dành tất cả tình yêu bao la cho đồng bào, đồng chí…

“Ôi ! trái tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người…”

Mỗi bài viết, lời căn dặn, mỗi buổi gặp gỡ, chuyến công tác của Người đều chứa đựng ý nghĩa, hành vi và quan niệm đạo đức sáng ngời đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công  vô tư”. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người đã trở thành bất diệt, là kết tinh tỏa sáng những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của đạo đức, trí tuệ người Việt Nam. Là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng viết nên những trang sử vẻ vang của Tổ quốc, là tấm gương sáng ngời để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.

 Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng do Hồ Chí Minh đề xướng và cùng Đảng ta dày công xây dựng bồi đắp đó chính là “Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”. Người coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông núi. Bởi lẽ con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước không phải là một đại lộ thẳng tắp, nó đầy chông gai và gian khổ đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng của mọi người, mọi thế hệ. Việc chăm lo cái gốc, cái nguồn, cái nền tảng là công việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội.

Kính thưa Ban Tổ chức, Ban giám khảo, quý vị đại biểu cùng toàn thể hội thi!

Hiện nay đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thì việc học tập rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống và làm theo tấm gương đạo đức của Người là một việc làm hết sức quan trọng, là biện pháp hàng đầu để mỗi cán bộ Đảng viên và Tổ chức cơ sở Đảng khắc phục sửa chữa tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Trong vô vàn những mẫu chuyện về Người, tôi thực sự tâm đắc và thấm thía trước bài học đạo đức lớn về tấm lòng trung hiếu, nhân nghĩa của Người qua câu chuyện: “Chủ tịch nước cũng không có đặc quyền.Câu chuyện được kể lại theo lời kể của đồng chí Nguyễn Dung in trong cuốn: “Bác Hồ với chiến sĩ Nxb QĐND, Hà Nội, 2001.

                                                                        

NỘI DUNG CÂU CHUYỆN:
 “Đầu năm 1946, cả nước ta tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội là nơi Bác Hồ ra ứng cử có 118 vị Chủ tịch Uỷ Ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã, đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của Nước Việt  Nam Dân Chủ Cộng Hoà”.  Từ nhiều nơi trong cả nước đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí cử Bác vào quốc hội. Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định, tôi đã ra ứng cử ở Hà Nội nên tôi không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.
Sau ngày hoà bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ rất đông. Bác vừa vào chùa vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người song mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại: “Các chú không được làm thế phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông, không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình”.

Kính thưa Ban Tổ chức, Ban giám khảo, quý vị đại biểu cùng toàn thể hội thi!

Một câu chuyện nhỏ nhưng lại là một bài học đạo đức lớn đã để lại trong mỗi chúng ta biết bao suy nghĩ và cảm xúc. Tiếp thu tư tưởng dân là quý, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không  gì quý bằng nhân dân. Có thể nói đó chính là tư tưởng dân chủ của Người, nó đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương mẫu mực về dân chủ. Là lãnh tụ cao nhất của Đảng, ở cương vị đầy quyền lực nhưng Người không bao giờ nghĩ đến việc dùng quyền lực. Người luôn coi mình là nô bộc của dân và luôn tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là quyền dân chủ chính trị được thể hiện rõ trong tổng tuyển cử. Không đặt mình ở cương vị là Chủ tịch nước mà hơn tất cả với tư cách là một công dân có quyền bầu cử, ứng cử và Người yêu cầu nhân dân hãy thực hiện quyền công dân của mình để đảm bảo tự do dân chủ thực sự. Cuộc đời của Bác luôn coi trọng việc tôn trọng luật lệ, tuân thủ nguyên tắc sống và làm việc theo pháp luật, những quy định chung của các tổ chức xã hội ở mọi nơi, mọi lúc. Theo Bác, sự thi hành pháp luật còn quan trọng hơn là tạo ra nó, chính vì thế là một lãnh tụ được dân quý, dân yêu nhưng không bao giờ Người cho phép mình đứng trên nhân dân, không bao giờ Người đòi hỏi cho mình bất cứ một ngoại lệ nào có tính chất đặc quyền, đặc lợi. Bước chân vào ngôi chùa cổ Người đã tuân theo đúng quy định với khách thập phương: “cởi dép vào lễ chùa”. Đó là một cử chỉ giản dị mà vô cùng cao đẹp thể hiện cái tâm trong sáng thành kính của Người trước sự linh thiêng chốn chùa chiền. Đứng trước một ngã tư đèn đỏ, Người đã nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông như bao người dân khác. Chỉ vậy thôi cũng đủ cho ta thấy cái lớn lao vĩ đại của một con người
luôn tôn trọng kỷ cương phép nước không nhận bất cứ một ngoại lệ, một đặc quyền nào cho riêng mình. Qua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo lời Bác” và từ những câu chuyện, những việc làm trên của Bác cũng đã tác động một phần không nhỏ đến ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn Thị trấn. Thực tế hiện nay chúng ta đã và đang phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thể hiện qua việc nhân dân có quyền lựa chọn những người ưu tú để bầu vào HĐND, bầu trưởng ấp, tham gia giám sát các công trình phúc lợi xã hội,… Hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân đều chấp hành tốt luật lệ giao thông như: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tuân thủ các quy định khác của pháp luật về an toàn giao thông.

Kính thưa Ban Tổ chức, Ban giám khảo, quý vị đại biểu cùng toàn thể hội thi!

Qua triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bản thân tôi nhận thấy rằng đã đạt được một số kết quả đó là: Đã tạo được sự nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân và ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhìn chung được nâng lên; ý thức giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng được thể hiện thường xuyên hơn; phong cách làm việc từng bước được đổi mới; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; ý thức vượt khó vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được thể hiện rõ hơn; những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân được giải quyết nhiều hơn; các phong trào nhân đạo từ thiện và thi đua yêu nước được đa số quần chúng nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chỉ mới là bước đầu, chưa đều, chưa vững chắc. Ở một số ngành, đơn vị, sự quyết tâm trong chỉ đạo chưa cao; triển khai còn chậm và bộc lộ sự lúng túng; một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức chưa thường xuyên, còn vi phạm đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân đôi lúc chưa tốt.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, bản thân nhận thấy cần có những giải pháp thiết thực cụ thể hơn, đó là:
Một là, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Trong nội dung sinh hoạt hàng tháng phải có nội dung kiểm điểm tình hình và kết quả thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với liên hệ tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; từ đó, xác định những việc cụ thể cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng, đăng ký và thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại, bình xét đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng hàng năm.

Ba là, từng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống; những vấn đề bức xúc trong cuộc sống của nhân dân; những vụ việc mà nội bộ và nhân dân quan tâm; những yếu kém đang gây cản trở trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị để bàn biện pháp sửa chữa, khắc phục nhằm tạo sự chuyển biến, đẩy lùi, tiến tới giải quyết dứt điểm trong một thời hạn nhất định.
Bốn là, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức Chính trị - xã hội có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, qua đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình; đồng thời, chấn chỉnh nghiêm túc các biểu hiện lệch lạc, làm lướt, thiếu quan tâm hoặc triển khai hình thức.

Kính thưa Ban Tổ chức, Ban giám khảo, quý vị đại biểu cùng toàn thể hội thi!

Những mẫu chuyện không xa vời mà rất gần gũi thiết thực đã trở thành một di sản tinh thần quý báu của dân tộc. Đó chính là nhân cách Hồ Chí Minh mà ngày nay đã trở thành nhân cách dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam trong thời đại mới. Vượt qua lửa đạn của chiến tranh, vượt qua quy luật khắc nghiệt của thời gian, những bài học đạo đức của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Mọi thế hệ người Việt Nam đã và đang nguyện suốt đời học tập rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
  Tiếp nối truyền thống đạo đức của dân tộc và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- Người thầy vĩ đại của mọi thời đại – với vai trò là một cán bộ đảng viên tôi đã và đang không ngừng rèn luyện để có được những phẩm chất đạo đức cách mạng không thể thiếu của người cộng sản. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay bản thân sẽ không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu rèn luyện mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, cố gắng rèn luyện mình, sửa mình từ lời nói, cử chỉ, hành động cho đến những việc làm để có thể nêu gương tốt trước nhân dân. Là một cán bộ trẻ, tôi nguyện suốt đời sống, chiến đấu, lao động, học tập theo tấm gương đạo đức của Bác để có thể kế tục sự nghiệp quang vinh mà Người để lại, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.
“ Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dãy Trường Sơn”.
Tiết Mỹ Khanh - Hội LHPN Thị trấn Rạch Gốc - huyện Ngọc Hiển - tỉnh Cà Mau














                                                                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét